Những mặt hàng nông thủy sản khác cũng được đưa vào Đề án gồm: Gạo, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn, rau quả.
Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến từ cây cao su cũng được xếp vào nhóm sản phẩm đang có lợi thế xuất khẩu để đưa vào Đề án như đồ gỗ (đồ gỗ cao su), phương tiện vận tải và phụ tùng (lốp xe, linh kiện cao su kỹ thuật cho ngành ô tô).
Những mặt hàng cao su được đánh giá có lợi thế xuất khẩu và có triển vọng nâng cao năng lực cạnh tranh khi xét trên các quan điểm tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để chủ động hội nhập quốc tế; Có thể khai thác tối đa lợi thế hiện có và có tiềm năng tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa gắn với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia; Có sự gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và Nhà nước.
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 – 2030.
Những giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu được tập trung gồm:Chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu: Sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng, chuyển từ gia công sang sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; chuyển đổi phương thức xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp, từ điều kiện giao hàng FOB sang CIF.
Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến có giá trị gia tăng cao; Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu: Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng năng lực các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận; phổ biến các tiêu chuẩn hàng hóa; Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu.
Củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng.
Nội dung nâng cao năng lực của hiệp hội ngành hàng được Đề án nêu các chi tiết như: Tạo thuận lợi cho hiệp hội phát triển các hoạt động hỗ trợ hội viên về đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại, nhận chứng chỉ chất lượng sản phẩm quốc tế; Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hiệp hội xây dựng hệ thống thông tin phân tích, dự báo về cung cầu, giá cả thị trường quốc tế, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường, xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành liên quan để cung cấp cho các doanh nghiệp hội viên.
Tạo thuận lợi cho các hiệp hội tăng cường vai trò liên kết hội viên trong mỗi ngành hàng và giữa các ngành hàng khác nhau; Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan bảo đảm các hiệp hội được tham gia đầy đủ trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.
Trong Đề án, hiệp hội ngành hàng được yêu cầu tham gia vào nhiệm vụ chủ động triển khai các giải phápđể nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ.
Vai trò của hiệp hội ngành hàng còn được đưa vào các nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án.
Kinh phí thực hiện Đề án gồm những nguốn từ ngân sách nhà nước theo quy định, từ nguồn vốn của doanh nghiệp, từ nguồn vốn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.